Microsoft đã mua lại Nokia và triển vọng họ khai tử cái thương hiệu điện thoại ấy là không nhỏ. Cảm giác tiếc nuối bỗng dấy lên trong lòng rất nhiều người.
Microsoft đã bỏ ra 7 tỷ USD để mua lại một phần của tập đoàn Nokia, nhưng là phần linh hồn của họ: bộ phận sản xuất thiết bị - nôm na chính là bộ phận sản xuất điện thoại di động – và hệ thống phân phối. Nokia được thế giới biết đến và mến mộ vì điều gì? Có bao nhiêu người biết đến công ty giải pháp mạng viễn thông Nokia? Không, điện thoại di động là tất cả.
Microsoft đã mua quyền sử dụng thương hiệu Nokia trong vòng 10 năm sau khi quá trình chuyển giao hoàn tất. Nghĩa là sau thời gian đó có thể tập đoàn Mỹ sẽ khai tử thương hiệu này để sản sinh ra dòng điện thoại của riêng họ. Giống như là ngày xưa công ty Kinh Đô mua lại nhà máy kem Wall’s của nước ngoài, giữ thương hiệu ấy hơn một năm rồi từ từ thay thế nó bằng một thương hiệu của mình. Và bây giờ trẻ con làm sao biết kem Wall’s thống trị một thời nữa, chỉ còn biết có kem Celano của Kinh Đô thôi.
Nokia, cái tên tưởng như đã là một tượng đài bất tử, từ từ tan chảy như là một que kem trong ánh nắng vùng nhiệt đới rồi có thể vĩnh viễn biến mất.
Rất nhiều người trong thế hệ chúng ta đã có chiếc điện thoại đầu tiên là một chiếc Nokia. Và thậm chí nếu không phải thế, thì chúng ta cũng hiểu cái từ “Nokia” ấy hàm chứa những gì. Những bậc phụ huynh kỹ tính đã chọn nó cho chúng ta, các cậu ấm cô chiêu vừa lên thành phố đi học, một cái điện thoại chỉ với tiêu chí là dùng được lâu, có đủ chức năng cơ bản để bố mẹ kiểm soát tình hình. Hay là chính chúng ta, những thanh niên đi làm ki cóp hàng mấy tháng trời mới tự thưởng cho mình một cái điện thoại – phải bền, pin tốt, sóng khỏe.
Cái cục gạch một thời ấy, không biết phải chơi Rắn săn mồi bao nhiêu lâu mới chịu hết pin, không biết phải rơi từ độ cao bao nhiêu xuống đất mới hỏng. Chúng ta đã nhắn tin trên nó đến mức những phím số mờ đi vì mồ hôi tay. Hai sáu sáu bốn bốn, không, sáu sáu bốn bốn sáu sáu sáu, anh nhớ em nhiều lắm. Ngón cái cơ bắp hơn, linh hoạt hơn, trở thành công cụ giao tiếp của con người.
Cái điện thoại thời ấy, công nghệ thì đơn giản nhưng nguyên tắc hoạt động thì kinh khủng phức tạp, phải căn cứ vào lịch khuyến mại của nhà mạng, căn cứ vào số tiền còn lại trong tài khoản, đơn giá tin nhắn và cuộc gọi vào các thời điểm khác nhau. Cái điện thoại cứ như là phát ngôn viên cho tình trạng tài chính của chúng ta.
Bây giờ thì màn hình cảm ứng điện dung của iPhone cho phép những ngón tay lướt nhanh hơn, hờ hững hơn, thờ ơ và chán chường hơn qua biển cả thông tin. Khi công nghệ trở nên thừa mứa, việc giao tiếp khiến người ta bội thực với vài nghìn contacts trên facebook, thì hóa ra cái điện thoại lại trở thành nơi nhốt chặt tâm hồn của rất nhiều người: họ cứ luẩn quẩn trong đấy với những suy nghĩ về bản thân, những tấm ảnh tự sướng, Candy Crush và số lượt likes vô nghĩa.
Nokia và những chiếc điện thoại đời ơ kìa mà nó làm đại diện, trở thành một hồi ức đẹp về công nghệ. Cái thời điện thoại đích thực chỉ có mỗi một nghĩa là “Connecting People” – “Kết nối mọi người”, nhớ nhau thì gọi, cần nhau thì bấm số, chứ nó chưa trở nên quá phức tạp đến mức con người lạc lối trong cái điện thoại không thoát ra nổi như bây giờ.
Nokia không phải là một thương hiệu mà là một ký ức. Và thời thế đã thay đổi rồi, có lẽ để nó chìm vào biển ký ức như là một mảnh ngọc trai đẹp đẽ lấp lánh, còn hơn là chứng kiến nó biến hình thành một thứ vô cảm thuộc về thời đại này.
(Docbao.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét